Tâm sự chủ doanh nghiệp & câu chuyện về Tiền - Day 6 – 06/04/20
MY 21 DAYS TRANSFORMATION JOURNEY
DAY #6 – 06/04/20 – Tâm sự chủ doanh nghiệp & câu chuyện về Tiền
- DAY #3 - 03/04/20 - Một ngày khác mọi ngày
- DAY #4 - 04/04/20 - Cuối tuần đầu tiên kể từ ngày Work From Home
- DAY #5 - 05/04/20 - My 21 Days Transformation Journey
Hôm nay đầu tuần phải nói là bận “xanh hết cả người”, được mỗi cái hình chụp sáng sớm là tươi tắn chứ sấp mặt từ sáng tới giờ mặt mình còn xanh hơn cả cái áo.?
Điểm lại một ngày dài có khá nhiều thứ liên quan tới TIỀN, nên nhật ký ngày hôm nay mình sẽ viết về chủ đề này.
Nếu nói người làm chủ ra kinh doanh không phải để kiếm tiền là nói xạo. Căn bản nhất, là bạn phải có đủ tiền để trả lương cho nhân viên và ít nhất là những thứ “không có không được” như văn phòng, máy tính, tới cả giấy toilet... thì mới có thể tạm gọi bạn là “chủ doanh nghiệp” . Tính toán hơn, nếu bạn có khá năng, thì cớ sao lại phải làm chủ cho cực thân, khi mà bao nhiêu công ty khác có thể trả cho bạn mức lương gấp nhiều lần mức bạn đang tự trả cho bạn? Chưa kể nhiều đặc quyền khác như đi lai, xe cộ, con cái học hành, đào tạo phát triển, vv. Thế nên, nếu doanh nghiệp làm ăn cuối năm có đủ tiền lời để chủ doanh nghiệp không phải “lăn tăn” hai mục kể trên, thì doanh nghiệp đó có cơ hội tồn tại. Còn nếu không, dù muốn hay không, khả năng “dừng bước giữa đường” là rất cao.
Mình đã từng làm chủ 3 doanh nghiệp, Anphabe là cái thứ 3 (hai cái kia tạm coi là thất bại sau khi đóng cửa lần lượt sau 1 năm và 3 năm vì nhiều lý do), mình có thể hiểu vì sao TIỀN là nỗi lo trường kỳ nhất của mọi chủ doanh nghiệp. Kể cả với những một số ít doanh nghiệp đã thành công rất hoàng tráng, thì tiền vẫn cực kỳ quan trọng. Họ cần tiền, và rất nhiều tiền, cho những cuộc chơi lớn hơn nữa, cho những cam kết mà ở vị thế của họ cần phải làm và cũng không ít trong số đó là để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống đã “sang chảnh” hơn rất nhiều so với thủa hàn vi.
Bản thân mình khi bắt đầu ngã rẽ thứ 3 là mở Anphabe thay cho việc nhận lời làm thuê lại với offer cực tốt cũng đặt ước mơ KIẾM TIỀN CHÍNH ĐÁNG là một mục tiêu quan trọng. Nhưng những trải nghiệm trong hành trình 9 năm qua đã giúp mình hình thành một số quan điểm rõ ràng về tiền bạc trong kinh doanh. Mình không dám dùng những quan điểm này để đánh giá về các doanh nghiệp khác, vì mỗi chủ doanh nghiệp có những tính toán riêng, nhưng trong cái lúc mà sự căng thẳng về tiền đang trở thành mối lo chung của mỗi chủ doanh nghiệp, thì mình xin tự tổng kết một chút cho doanh nghiệp của mình.
1. Tiền nhiều quan trọng, nhưng không quan trọng bằng Cash flow
Khi mình start doanh nghiệp trước là 1 start up với nhiều nhà đầu tư đình đám, đùng một cái sau 4 tháng bắt đầu, khủng hoảng 2008 xảy ra khiến các nhà đầu tư của mình chới với, cắt đầu tư cái rụp. Với khoản tiền ít ỏi còn lại, mình quyết định không nhận lương trong 2 năm nhưng cũng không thể nào bù đắp nổi chi phí, 50% team ra đi trong sự dằn vặt kinh khủng của mình. Trải nghiệm đau đớn đó giúp mình sau đó tại Anphabe cực kỳ thận trọng với cashflow. Lúc công ty mình nhận đầu tư một cục tiền to từ nhà đầu tư Nhật, mình không đổi văn phòng, không sắm sanh xe cộ như nhiều start up khác. Ngoài việc tự trả lương cho mình và tiêu xài ở mức vừa phải, bao nhiêu năm qua mình cũng chưa từng rút tiền lời ra khỏi công ty (trừ 1 năm duy nhất), mặc dù nhiều lúc cũng nghĩ nếu rút ra đem đầu tư vào đất hay cổ phiếu chẳng hạn, chắc giờ cũng kiếm được nhiều tiền lắm. Mình làm thế không phải vì mình không cần tiền cho tiêu xài cá nhân, mà mình luôn tâm niệm rằng trong khả năng có thể, mình sẽ lo cho company cash flow trước để không phải lặp lại bài học đau thương trước đây.
Vậy nên thời Covid này khi mỗi ngày thấy “tiền vào nhỏ giọt, tiền ra ào ào”, mình thầm cảm ơn cái hành trình tiết kiệm dài dằng dặc trong thời gian qua đã giúp minh giờ đây có sự bình tình nhất định để vẫn nghĩ được cho khách hàng, bảo vệ quyền lợi của team và dám nhận thiệt thòi về công ty.
2. Tiền nhiều quan trọng, nhưng không quan trọng bằng “kiếm tiền & tiêu tiền như thế nào”
Cách business của bạn tiêu tiền, và kiếm tiền nói lên rất nhiều về Giá trị & Văn hóa của doanh nghiệp. Kể từ khi Anphabe còn rất nghèo, và rất bé, mình luôn kiên quyết nói KHÔNG với việc phải dùng những cách “thiếu chuyên nghiệp” để mang business về. Mình cũng luôn dạy nhân viên sẵng sàng nhìn cơ hội ra đi trước mắt, nếu mình phải “bẻ lái” những giá trị về sự chính trực trong công việc. Điều này phải nói là khá hiếm trong các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, và không phải là không tạo ra cho Anphabe nhiều “thua thiệt” trong kinh doanh.
Anphabe hiện nay cũng chưa phải là giàu, nhưng trong các hoạt đông của mình, Anphabe bỏ ra rất nhiều nguồn lực đầu tư cho công đồng trong việc mang lại những thay đổi tích cực về cách nghĩ, cách làm mới về quản trị nhân sự. Nhiều lúc ngồi tính toán thì cũng thấy sao mà mình bao đồng quá, sao mà nhiều công ty nhiều tiền họ nhận nhiều hơn là họ đóng góp lại nhưng mình vẫn cảm thấy rằng những việc này là xứng đáng. Bởi vì từ khi chọn cho Anphabe Sứ Mệnh là “ Xây dựng một nguồn nhân lực Việt hạnh phúc & nhân văn hơn”, mình đã hiểu ra rằng tiền nhiều là quan trọng, nhưng cũng chả quan trọng bằng “tiền nhiều để làm gì”?
Ngày hôm nay, lại có một khách hàng nữa đã ký hợp đồng xin hủy. Khi bạn làm trong ngành dịch vụ nhân sự, bạn sẽ hiểu rằng cắt dịch vu nhân sự là một practice rất thường thấy của các doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng, hic.?. Nhận cái tin này với mình chẳng khác gì dao đâm một nhát vào bụng, thật luôn... vì cái hợp đồng này sơ sơ bằng có một nửa tháng lương của toàn Anphabe chứ mấy. Lại mất nửa giờ để bình tĩnh lại, mất thêm nửa giờ nữa để quyết định vẫn đầu tư cho team 1 cái training quan trọng với kha khá chi phí nữa. Bỏi vì đây là cái nhân viên cần lúc này, và đây là lúc mình giúp các bạn thấy rằng trong khó khăn, công ty luôn ở bên các bạn và cam kết thực hiện những gì quan trọng.
Một chuyện nho nhỏ nữa về tiền là vào cuối ngày hôm nay, mình thấy nhân sự gửi một cái link danh sách nhân viên tự nguyện đóng góp 1-3 ngày lương để cùng quỹ chung của Anphabe chăm lo cho những người nghèo & yếu thế trong giai đoạn khó khăn này. Việc này do nhân viên tự đề xuất, và tự thực hiện nên mình cảm ơn team rất nhiều. Hành động của chúng ta không phải khi rất thừa tiên, mà là khi đang thiếu tiền nói lên rất nhiều chúng ta là ai...?
Mong lắm gánh nặng tiền bạc thời Covid nhẹ đi môt chút trên vai mỗi chủ doanh nghiệp, mỗi người đi làm, và nhất là những người lao động mất cơ hội làm việc ngoài kia...
(HCM, chào nhé ngày thứ 6, chờ ngày mới lại bắt đầu)
Xem thêm: |