Thăng tiến trong sự nghiệp, bạn đã thực sự biết cách "Tự Bán Mình" (Sell yourself)?
Bài chia sẻ của Thầy Nguyễn Tuấn về các thức Sell yourself trong giới học thuật nhưng rất sát với quá trình thăng tiến của các ngành khác.
Nội dung bài trả lời bạn những câu hỏi:
Tự bán mình (sell Yourself) là gì? Bán mình là bán cái gì? Bán mình thế nào?
1. "Tự bán mình" (sell yourself)
Hôm nọ, đi dự một seminar về kĩ năng mềm, và nghe một chuyên gia nói về "sell yourself" với vài ý rất hay và có ích. Buổi seminar làm cho người tham dự cười ngặt nghẽo về những trường hợp hợm hĩnh. Tuy nhiên, sau trận cười là những điều rất đáng học, và tôi chia sẻ ở đây ...
- Ngày nay, chúng ta nghe rất nhiều về ý tưởng "Sell yourself" (tự bán mình). Lần đầu nghe "tự bán mình" tôi thấy ... rất kì cục, nhưng mãi đến sau này thì mới hiểu nó có ý nghĩa gì. Và, khi đã hiểu, tôi thấy cái ý tưởng tự bán mình đang bị lạm dụng bởi nhiều người trong giới khoa học. Nhớ thời mới công bố được bài báo đầu tiên, tôi được mời nói chuyện trong một seminar của Bệnh viện Phụ Sản Sydney. Trong khi còn ngần ngại trả lời thì sếp tôi khuyên là nên nhận lời, và ông nói đi nói lại câu "You have to sell yourself" (phải tự bán mình). Tự bán mình? Xuất phát từ nền văn hóa với câu "Hữu xạ tự nhiên hương", tôi dĩ nhiên là rất ngạc nhiên và 'dị ứng' với ý tưởng đó.
- Nhưng phải đến giữa thập niên 1990s, tôi mới bắt đầu hiểu ý tưởng 'tự bán mình' có nghĩa là gì và tại sao giới khoa học phương Tây hay nói về nó. Lúc đó, tôi viết đề cương xin một cái 'senior research fellowship' của NHMRC (Hội đồng Quốc gia về Y tế và Y khoa Úc). Dạo đó, chưa có ai giúp tôi viết, nên tất cả đều làm một mình. Tôi được mời đi phỏng vấn, nhưng thất bại từ vòng đầu. Sau này, có người chuyên về 'sell yourself' đọc đề cương, và chỉ ra rằng tôi dùng quá nhiều chữ "We" (chúng tôi), mà cái fellowship thì cấp cho một cá nhân. Nói cách khác, cách viết của tôi có vấn đề, vì không tự bán mình tốt.
- Đến lần thứ hai thì tôi đã học nhiều điều, và có người giúp tôi 'bán mình'. Lần này thì Viện có hẳn người chuyên đọc đề cương và góp ý. Chẳng những vậy, chuyên gia này còn 'polish' (đánh bóng) câu văn và cách viết nữa. Các đại học Úc đều có người chuyên làm việc này. Sau khi xong đề cương, họ tổ chức phỏng vấn thử để xem cách ăn nói ra sao. Nói là 'phỏng vấn thử', nhưng trong thực tế thì 95% là thật, bởi vì những người ngồi trong buổi phỏng vấn thử cũng chính là những người ngồi trong các hội đồng NHMRC. Lần này thì tôi đậu. Đậu vòng phỏng vấn đầu tiên rất gian nan, rồi vào vòng kế tiếp để phỏng vấn sau cùng ở Melbourne (họ trả vé máy bay), và cuối cùng là được thưởng fellowship. (Ngày nay, họ không làm nhiêu khê như vậy nữa, nhưng tỉ lệ vẫn khó khăn, chừng 1-2% đậu). Điều này cho thấy kĩ năng bán mình rất quan trọng trong môi trường cạnh tranh ác liệt.
- Câu chuyện trên đây chỉ để nói lên rằng trong môi trường khoa học đầy cạnh tranh hiện nay, làm nghiên cứu tốt chưa đủ, mà còn phải biết tự bán mình một cách thích hợp. Xin nhấn mạnh là "một cách thích hợp". Có những người bán mình không thích hợp, hiểu theo nghĩa bán những cái mà họ không có hay không ở vị trí để bán mình, và họ trở nên hợm hĩnh. Do đó, bán mình một cách thích hợp là rất quan trọng. Có hai câu hỏi là bán cái gì và bán như thế nào. Diễn giả seminar bàn về 2 ý này rất hay.
2. Bán cái gì?
Bán cái gì là một câu hỏi quan trọng. Nếu không cẩn thận sẽ rất dễ trở nên hợm hĩnh. Nhìn chung, nhà khoa học không có 'hàng hóa' cụ thể để bán, họ chỉ có thể bán kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kĩ năng, ý tưởng, và thành tựu nghiên cứu:
• Kiến thức là vô giá, nhưng rất ít người nhận ra điều này. Có những kiến thức đối với nhà khoa học là sơ đẳng, nhưng đối với người khác là rất khó tìm và quan trọng.
• Kinh nghiệm là những gì nhà khoa học trải qua và học hỏi được, nên nó mang tích tích lũy theo thời gian. Có nhiều khi các công ti dược hỏi những câu hỏi mà chúng ta xem là quá bình thường, nhưng vì họ thiếu kinh nghiệm nên mới cần tư vấn. Kinh nghiệm rất quí báu.
• Kĩ năng là một trong những 'món hàng' quan trọng nhất mà nhà khoa học có thể 'bán', và chính kĩ năng là yếu tố để phân biệt các nhà khoa học. Một nhà khoa học không có kĩ năng thì rất khó 'bán'.
• Thành tựu nghiên cứu và ý tưởng cũng là những món hàng quan trọng của nhà khoa học. Thật ra, những kết quả nghiên cứu hoặc những đóng góp về phương pháp đây là món hàng quan trọng nhất và cụ thể nhất để nhà khoa học bán mình!
Tóm lại, đa số những 'sản phẩm' của nhà khoa học là tương đối vô hình và có khi trừu tượng. Chính vì đặc tính vô hình này, nên để bán mình, nhà khoa học cần phải biết cách bán như thế nào cho có hiệu quả.
3. Bán như thế nào?
Bán như thế nào là một nghệ thuật cần phải học. Hỏi các chuyên gia, mỗi người khuyên một vài điều, và chẳng ai nhất quán với ai. Diễn giả giới thiệu cuốn sách "Charting a Course for a Successful Research Career" (Elsevier 2011), và ở chương "Selling Your Accomplishments", tác giả đề ra 4 cách bán mình: công bố khoa học, website, tham gia báo chí, và tôi thêm một cách khác là tham gia các hiệp hội chuyên ngành.
Công bố khoa học là một hình thức đóng góp cho chuyên ngành, nhưng cũng là một cách 'bán' trí tuệ và qua đó mà nâng cao tính 'visibility'. Công bố những công trình nghiên cứu có ảnh hưởng là cách bán mình tốt nhất. Những công trình tốt thường được công bố trên những tập san có ảnh hưởng cao. Tầm ảnh hưởng của một tập san có thể đo lường bằng hệ số tác động (còn gọi là 'impact factor'). Do đó, công bố trên tập san có tác động cao là hình thức bán mình tốt nhất.
Website là một phương tiện rất hữu ích để bán mình. Các đại học phương Tây rất quan tâm đến website, nên gần như tất cả các giảng viên và giáo sư đều được cho một 'mảnh đất' để cung cấp những thông tin liên quan đến học vấn, kinh nghiệm, kĩ năng, và quá trình công tác. Ngoài trang web chính thức do đại học quản lí, nhiều giáo sư có trang web cá nhân để thu hút nghiên cứu sinh và giao lưu với đồng nghiệp khắp thế giới. Các sinh viên tiến sĩ và hậu tiến sĩ cũng được khuyến khích có trang web riêng. Trong thực tế, nhiều sinh viên tự lập trang web cá nhân dùng các nhà cung cấp miễn phí như WordPress để tự quảng bá mình.
Truyền bá những nghiên cứu của mình trên báo chí phổ thông. Rất nhiều nhật báo và tạp chí phổ thông đều có mục dành cho khoa học và y tế, và họ cũng cần chuyển tải những nghiên cứu quan trọng đến công chúng. Do đó, một cách để làm quen với công chúng là viết bài diễn giải lại và chia sẻ ý nghĩa của nghiên cứu với công chúng. Để làm việc này, người viết phải hiểu rõ ý nghĩa của nghiên cứu, có khả năng đặt nghiên cứu trong bối cảnh chung, và có kĩ năng dùng những chữ đơn giản để 'dịch' khoa học sang đại chúng. Viết cho báo phổ thông là một cách để nhà khoa học suy nghĩ về tác động xã hội của nghiên cứu. Do đó, viết báo vừa là hình thức 'bán mình' nhưng cũng là một cách suy nghĩ về khoa học.
Ngoài bán mình cho công chúng, nhà khoa học còn phải bán mình cho cộng đồng khoa học. Mỗi cộng đồng khoa học là một "bộ lạc". Một cách để làm quen với các thành viên trong bộ lạc là trở thành hội viên của các hiệp hội chuyên môn. Khi đã trở thành thành viên, nhà khoa học còn phải tham gia trực tiếp qua các đóng góp cho hiệp hội, và đó cũng là cách 'bán mình' rất hiệu quả!
Bị lạm dụng
Tuy nhiên, ý tưởng 'tự bán mình' ngày nay đã bị lạm dụng, nhất là ở những người trẻ. Có không ít người bán mình thái quá. Họ tận dụng bất cứ hình thức nào để quảng bá về những tiểu tiết và do đó biến thành kiểu ái kỉ, tự khen mình.
Diễn giả đưa ra nhiều trường hợp làm người nghe cười ngất. Chẳng hạn như có người dùng phần kí tên email để liệt kê bài báo họ mới công bố, hay có người tận dụng các buổi báo cáo và dành ra cả 5 slides chỉ để giới thiệu về họ! Những hình thức 'bán mình' như thế thật ra là lạm dụng ý tưởng 'Sell Yourself' và biến họ thành những kẻ ái kĩ hợm hĩnh.
Tóm lại, "Sell Yourself" hay "tự bán mình" là một kĩ năng tương đối quan trọng trong thế giới khoa học hiện đại. Cái quan niệm "hữu xạ tự nhiên hương" có lẽ không còn thích hợp trong thế giới đầy cạnh tranh ngày nay. Những 'sản phẩm' mà giới khoa học bán chủ yếu là thành tựu nghiên cứu (accomplishments) và kĩ năng (skills), chứ không phải những mĩ từ vô nghĩa. Tự bán ở đây phải hiểu đúng là tự giới thiệu, chứ không phải là tự khoe. Tự giới thiệu kĩ năng và thành tựu cá nhân là một cách chia sẻ với cộng đồng khoa học và công chúng, và cũng là một cách tri ân những người đã giúp mình có được vị trí ngày nay.
Xem thêm: |