Trang bị kỹ năng gì khi xin việc trái ngành?
Trái ngành trái nghề ngày nay đã không còn xa lạ, đặc biệt đối với các bạn sinh viên mới ra trường. Nhưng để có thể “trái ngành trái nghề” một cách tốt đẹp, chúng ta cần phải có gì và chuẩn bị hành trang như thế nào?
Bất lợi của những bạn chấp nhận trái ngành trái nghề, chính là không được đào tạo những kiến thức cơ bản nền tảng theo trường lớp. Chính vì vậy, để có thể làm nổi bật mình giữa hàng trăm hàng ngàn các ứng viên mà hơn phân nửa là các cử nhân chuyên ngành, buộc các bạn phải tự “tô màu” cho bản thân bằng những điểm khác biệt, xuất phát từ năng lực bản thân.
Một số ý kiến cho rằng, đam mê và tuổi trẻ nhiệt huyết là một trong những điểm mạnh có thể mang đến cho các bạn cơ hội được trở thành một nhân viên chính thức của một công ty nào đó có ngành nghề bạn yêu thích, mà không hề quan tâm liệu không có kiến thức, hiểu biết thì ai sẽ chấp nhận thuê một người như bạn? Đa số các công ty, doanh nghiệp hay các nhà tuyển dụng đều mong muốn “mang” về cho mình những ứng cử viên xuất sắc, có thể giúp họ hoàn thành tốt công việc và làm cho họ thỏa mãn với những đồng lương họ đã bỏ ra để chi trả cho nhân viên. Vậy nên, họ chắc chắn sẽ không thể nào vừa tốn công vừa tốn sức, lại mất cả thời gian lẫn chi phí để đầu tư vào một nhân viên mà không chắc có thể mang lại “lợi nhuận” cho họ.
Tuy nhiên, không có gì là không thực hiện được nếu như bạn quyết tâm cố gắng. Hiện nay, có rất nhiều chương trình đào tạo hoặc các khóa học ngắn hạn từ 3-6 tháng, cung cấp đầy đủ từ lý thuyết đến thực tiễn, các bạn có thể đăng kí tham gia để có những hiểu biết sâu hơn về ngành nghề mà mình muốn hướng đến.
“Ngay từ đầu ngành học của chị là Quan hệ quốc tế, chẳng liên quan gì đến công việc Quảng cáo đang làm hiện tại cả” – chị T.H, nhân viên phòng Sáng tạo – Quảng cáo tập đoàn M.s chia sẻ – “Kể cả khóa luận tốt nghiệp cũng chẳng chút gì dính dáng. Nhưng vào thời điểm năm cuối, chị bắt đầu tham gia khóa học ngắn hạn về tổng quan ngành Marketing để “làm vốn liếng” căn bản cho mình. Mặc dù ra trường với bằng đỏ, nhưng công việc ở bộ Ngoại giao không phải là điều dễ dàng cho chị đạt được, thế là chuyển ngành, rẽ hướng sang làm Marketing. Lúc đầu quả thật rất khó khăn, nhưng vì công ty chị ứng tuyển vào mới thành lập nên họ cũng rất cần nhân viên, thế là dùng chút kiến thức từ khóa học trước cùng với những hiểu biết và năng lực bản thân để chứng minh cho họ thấy tiềm năng của mình. Từ những chuỗi ngày đầu lóng ngóng học việc cho đến khi trở thành người ôm trọn tất cả các công việc từ lên kế hoạch, xây dựng hình ảnh, viết nội dung, chị bắt đầu tìm kiếm cho mình một môi trường làm việc tốt hơn, năng động hơn, và thế là ứng tuyển sang M.s”.
Chị T.H còn nhấn mạnh: “Tuổi trẻ rất dễ bị lung lay, việc xác định ngành nghề có thể hôm nay thế này, nhưng ngày mai lại thế khác, điều trước hết cần phải rõ ràng là: Mình có thật sự yêu thích nghề không? Và mình có những gì để có thể “sống” tốt cùng nghề? Yêu nghề là điều kiện cần, nhưng hiểu biết và năng lực lại là điều kiện đủ để các em có thể song hành thật tốt với nghề đã chọn.”
Bên cạnh đó, việc trải nghiệm những công việc thực tế sẽ là một điểm cộng tuyệt vời dành cho bất cứ ứng viên xin việc nào. Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, hãy tận dụng thời gian rảnh của mình để trở thành những cộng tác viên, thực tập sinh tại các công ty có ngành nghề mong muốn. Đừng quan tâm đến lương ít hay nhiều, vì chắc chắn bạn không có quyền đòi hỏi những điều đó. Hãy xem những kinh nghiệm, bài học có được từ những công việc part-time trên là đồng lương quý giá nhất mà bạn có được tại thời điểm này, và cả cho mai sau.
Đa số các bạn sinh viên đều chấp nhận việc thực tập không lương tại các công ty, doanh nghiệp. Trong quá trình thực tập, luôn luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đừng ngại ngần không dám hỏi chỉ vì sợ hãi, sợ lòi điểm yếu của mình. Hãy hỏi để cho mọi người thấy bạn cần gì, và muốn học được điều gì? Sự hướng dẫn và những lời khuyên từ các anh chị đồng nghiệp, từ những trải nghiệm thực tế khi giao dịch với khách hàng, khi cùng nhau hoàn thành một dự án nào đó. sẽ là nền tảng kiến thức mà không lớp học nào có thể mang đến cho bạn được.
Đôi lúc là nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề, có thể khi định hướng đại học sẽ là một ngành nghề này, nhưng đến khi ra trường, vì một cơ duyên hay sự thay đổi nào đó lại làm một công việc khác. Tuy khởi đầu chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng hãy từng bước vượt qua bằng nhiều cách khác nhau. Học hỏi và tích lũy, có ngày sẽ mang đến thành công.
- ST -