Bật mí các tiêu chí đánh giá ứng viên tuyển dụng
Quy trình tuyển dụng khoa học, chuyên nghiệp luôn sở hữu các tiêu chí đánh giá ứng viên tuyển dụng cụ thể. Tùy vào vị trí tuyển dụng, khu vực vùng miền, đặc thù sản xuất kinh doanh… mà tiêu chí tuyển dụng sẽ có những nét khác nhau. Nhưng danh sách tiêu chí tuyển dụng mà TalentBold đề cập hôm nay, chắc chắn bất cứ nhà tuyển dụng nào, bất cứ vị trí nào cũng đều phải áp dụng.
I. Lợi ích khi xây dựng tiêu chí tuyển dụng
Thay vì khai thác ứng viên một cách ngẫu nhiên, chủ quan, việc thiết lập các tiêu chí đánh giá ứng viên tuyển dụng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng ứng viên đáng kể, bởi lẽ:
- Tiêu chí đánh giá sát thực tế công việc, nhờ vậy, dù người trực tiếp phỏng vấn là người của phòng nhân sự hay phòng chuyên môn thì đều khai thác thông tin ứng viên hiệu quả.
- Thang điểm đánh giá cũng được thiết lập, chính vì vậy, năng lực của mỗi ứng viên được thể hiện rõ qua tổng điểm, không lo bỏ sót ứng viên tương thích nhất.
- Các tiêu chí có giá trị sử dụng cho nhiều thế hệ nhân sự phòng tuyển dụng, tiết kiệm thời gian quy trình tuyển dụng trong tương lai.
II. Các tiêu chí đánh giá ứng viên tuyển dụng có giá trị vĩnh hằng
Một số tiêu chí đánh giá trong quá khứ đã trở nên lỗi thời trong thời đại công nghệ hiện nay. Để mang lại giá trị tham khảo cao nhất cho nhà tuyển dụng, bài viết hôm nay, TalentBold sẽ tập trung vào các tiêu chí đánh giá có giá trị vĩnh hằng
1. Bằng cấp chuyên môn
Dù bằng cấp không phải là yếu tố quan trọng,nhưng đó là tấm giấy thông hành đầu tiên giúp nhà tuyển dụng tìm thấy sự tương thích nơi ứng viên ứng tuyển.
Những yêu cầu về bằng cấp nên được nêu rõ trong phần tin đăng tuyển dụng. Thực tế có nhiều nhân tài làm trái ngành được đào tạo nhưng lại thể hiện năng lực rất tốt. Chính vì vậy, bằng cấp không cần phải đúng chuyên ngành, những ngành nghề tương tự cũng có thể được chấp nhận.
2. Kinh nghiệm làm việc thực tế
Đây mới là điều mà nhà tuyển dụng mong muốn ứng viên sở hữu nhất. Những ứng viên giỏi sẽ biết cách dùng kinh nghiệm làm việc thực tế để khỏa lấp những hạn chế về bằng cấp, giới tính, vùng miền…
- Những ngành mang tính đại trà cho phép ứng viên sở hữu kinh nghiệm ở vị trí tương đương, trong lĩnh vực tương tự.
- Những ngành mang tính đặc thù cao luôn đòi hỏi ứng viên phải làm đúng lĩnh vực mà nhà tuyển dụng đang hoạt động.
- Những ngành khó tuyển, nhà tuyển dụng chấp nhận những ứng viên có ít thiếu sót nhất để đào tạo, bổ sung thêm.
3. Khả năng làm việc nhóm hiệu quả
Hiện nay, mô hình làm việc nhóm đang ngày càng phổ biến. Mỗi hoạt động sản xuất kinh doanh là chuỗi kết nối nhiều yếu tố đóng góp từ các cá nhân, phòng ban khác nhau.
Chính vì vậy, một ứng viên cần sở hữu khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Để đánh giá tiêu chí này, kinh nghiệm cùng những thành tích mà ứng viên đạt được trong quá trình làm việc trước đó chính là cơ sở đánh giá đầu tiên.
Tiếp theo, giai đoạn thử việc thực tế sẽ giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn chuẩn xác nhất về tiêu chí đánh giá này.
4. Kỹ năng giao tiếp linh hoạt
Nếu những ngành giao tiếp nhiều như sales, quan hệ công chúng… bắt buộc sở hữu kỹ năng giao tiếp xuất sắc thì những ngành nghề khác cũng đòi hỏi ở ứng viên kỹ năng này ở mức độ không nhỏ.
Bởi lẽ, kỹ năng giao tiếp không chỉ thể hiện trong lúc làm nhiệm vụ mà cả khi :
- Đối thoại cùng đồng nghiệp
- Thảo luận, đề xuất chiến lược phát triển cho phòng ban
- Phối hợp triển khai kế hoạch cùng những bộ phận khác toàn doanh nghiệp
Ngay cả việc giải quyết những mâu thuẫn trong công việc cũng luôn đòi hỏi kỹ năng giao tiếp nơi nhân viên.
5. Sử dụng thành thạo công nghệ thông tin
Những phần mềm chuyên dụng trong công việc, một phần sẽ được truyền đạt nơi giảng đường, một phần tự học thêm, một phần sẽ do công ty đào tạo.
Và cũng có nhiều kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin mà ứng viên có thể tự tìm hiểu, dù không phải chuyên môn ngành nghề, nhưng lại là điều không thể không biết, ví dụ : nhắn tin zalo, skype, facebook, tạo tài khoản trao đổi trên diễn đàn…
Nhà tuyển dụng có thể kiểm tra ứng viên thông qua bài kiểm tra kỹ năng sử dụng phần mềm nếu cần thiết. Thông thường, ứng viên sẽ phải tự hoàn thiện trong quá trình công tác, đây được xem là một trong những thử thách đối với ứng viên tại nơi làm việc mới.
6. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Bất cứ công việc nào cũng sẽ có những khó khăn, thách thức đến từ những sự cố bất ngờ, nằm ngoài kế hoạch.
Những câu hỏi tình huống thực tế luôn được sử dụng trong các kỳ phỏng vấn cũng vì mục đích này. Tiêu chí đánh giá không nằm trọn ở sự hoàn hảo trong câu trả lời mà nằm phần lớn ở khả năng tư duy, biết cách tìm hướng giải quyết của ứng viên.
7. Tinh thần nhiệt huyết, yêu thích công việc
Ngày nay không hiếm những trường hợp ứng tuyển vì muốn tìm kiếm một nguồn thu nhập hơn là định hướng cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp. Trong khi đó, thời gian để hoàn tất quy trình tuyển dụng, tổ chức đào tạo, bàn giao nhiệm vụ… cho nhân viên mới luôn đòi hỏi nhiều chi phí và công sức.
Chính vì vậy, tinh thần nhiệt huyết, nỗ lực chinh phục vị trí ứng tuyển cũng được xem là tiêu chí đánh giá quan trọng trong các kỳ phỏng vấn. Điều này có thể nhìn nhận thông qua :
- Tác phong, cử chỉ chỉnh chu, nghiêm túc của ứng viên khi tham gia phỏng vấn.
- Hiểu biết nhiều thông tin liên quan đến doanh nghiệp
- Quan tâm, hỏi thông tin, mong muốn gắn kết liên lạc với nhà tuyển dụng…
Trên đây là các tiêu chí đánh giá ứng viên tuyển dụng luôn hiện hữu trong mọi quy trình tuyển dụng mà TalentBold đã đúc kết qua nhiều năm tư vấn nhân sự chuyên nghiệp. Mỗi nhà tuyển dụng có thể bổ sung thêm những tiêu chí riêng cho mình để nâng cao hiệu quả tuyển dụng, nhưng tuyệt đối không nên bớt đi. Chúc doanh nghiệp bạn luôn tìm thấy những ứng viên xuất sắc nhất !
Nguồn ảnh: internet
Hình ảnh: mang tính chất minh họa