HR bạn có đang bỏ lỡ ứng viên ngay từ ‘Thông Tin Tuyển Dụng’?
Liệu bạn đã bao giờ tự hỏi rằng, đâu là điểm yếu lớn nhất trong quy trình tuyển dụng của mình? Vâng, có thể đó chính là khâu "Thông tin tuyển dụng". Đừng lo, không phải chỉ có bạn mắc phải sai lầm này. Nhiều người trong chúng ta vẫn thường vô tình "ngó lơ" một vài chi tiết nhỏ nhặt nhưng lại cực kỳ quan trọng, từ đó để tuột mất những ứng viên tiềm năng ngay từ những bước đầu tiên.
Ảnh: Anphabe
Tại Sao Thông Tin Tuyển Dụng Lại Quan Trọng Đến Vậy?
Thông tin tuyển dụng không chỉ là một mẩu quảng cáo việc làm, mà còn là chiếc cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp của bạn và ứng viên tiềm năng. Quá trình tuyển dụng là một cuộc hành trình tìm kiếm sự phù hợp lẫn nhau, và bắt đầu bằng việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác.
Vậy đâu là những “điểm chạm” quan trọng?
Theo một cuộc khảo sát do Anphabe thực hiện từ Tháng 4 đến Tháng 8 năm 2023 với 36.790 người đi làm trên toàn quốc, đã hỏi họ rằng ”Đâu là những thông tin quan trọng bạn mong muốn nhận được khi đọc tin tuyển dụng & sẽ ảnh hưởng đến quyết định ứng tuyển của bạn?” - Kết quả nhận được cho thấy TOP 3 thông tin quan trọng nhất mà ứng viên tìm kiếm trong các bản mô tả công việc bao gồm:
- Mức lương khởi điểm/ Range lương của công việc: Theo khảo sát, 51% người lao động coi mức lương khởi điểm và phạm vi lương là thông tin quan trọng nhất khi xem xét một cơ hội việc làm. Điều này không chỉ phản ánh mong muốn về thu nhập ổn định mà còn là chỉ báo về sự đánh giá của công ty đối với giá trị của vị trí tuyển dụng. HR cần đảm bảo rằng mức lương được đề cập trong thông tin tuyển dụng không chỉ cạnh tranh mà còn phản ánh đúng với thực tế và kỳ vọng của thị trường.
- Thông tin chi tiết về các gói phúc lợi: Có khoảng 44% người tham gia khảo sát quan tâm đến chi tiết các gói phúc lợi đi kèm với công việc. Điều này bao gồm bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ phép, các chương trình đào tạo và phát triển, và những ưu đãi khác như làm việc linh hoạt. Các gói phúc lợi không chỉ là yếu tố cạnh tranh mà còn thể hiện sự quan tâm của công ty đến sức khỏe và sự cân bằng cuộc sống của nhân viên.
- Tầm nhìn, chiến lược, giá trị cốt lõi của công ty: Tầm nhìn và chiến lược của công ty, chiếm 36% sự quan tâm, là yếu tố cũng không kém phần quan trọng. Ứng viên hiện đại không chỉ tìm kiếm một công việc với thu nhập tốt mà còn muốn tham gia vào một tổ chức có tầm nhìn rõ ràng và mục tiêu phát triển bền vững. Đối với những người có mức thu nhập cao (từ 35 triệu VNĐ/tháng trở lên), yếu tố này thậm chí còn quan trọng hơn là mức lương ban đầu. HR cần truyền đạt rõ ràng những thông tin này trong quá trình tuyển dụng để thu hút những ứng viên có định hướng phù hợp với sứ mệnh của công ty.
Ảnh: Anphabe
Ngoài 3 thông tin trên, Mức lương tương lại hoặc mức tăng lương tiềm năng của công việc (29%); Thông tin về những điểm hấp dẫn tại môi trường làm việc (27%); Mô tả chi tiết yêu cầu công việc (26%); Thông tin giới thiệu công ty (21%); Lịch làm việc linh hoạt (13%) cũng là những nội dung được người đi làm đặc biệt quan tâm khi ứng tuyển.
>>> Tham gia ngay Khảo sát Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam® 2024
Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói vừa lòng ứng viên...
Bạn đã bao giờ đọc một bản mô tả công việc và tự hỏi mình đang đọc sách giáo khoa hay khoa học viễn tưởng? Đôi khi, HR quá say mê với những từ ngữ chuyên ngành mà lại quên mất rằng, ứng viên cũng là con người. Họ thích lối diễn đạt thân thiện, gần gũi, không phải như đang đối mặt với một "bài kiểm tra từ vựng" khi đọc thông tin tuyển dụng.
Hãy tưởng tượng thông tin tuyển dụng của bạn là một món ăn, và ngôn ngữ là gia vị. Một chút hài hước, một chút dí dỏm có thể khiến món ăn trở nên hấp dẫn, nhưng "nêm quá tay" sẽ khiến ứng viên "bỏ chạy mất dép". Đơn giản, thay vì nói "Chúng tôi tìm kiếm những coder có kinh nghiệm và đam mê", bạn có thể nói "Chúng tôi đang tìm kiếm những coder "máu lửa" và hăng say với những dự án sáng tạo đầy thử thách”
Ảnh: Anphabe
Một công thức nhàm chán thường thấy nữa trong các tin tuyển dụng là liệt kê ra hàng loạt các yêu cầu và lợi ích. Tại sao chúng ta không thử trở nên khác biệt hơn bằng cách biến nó thành một câu chuyện ngắn về công việc và môi trường làm việc tại công ty.
Ví dụ, thay vì chỉ gạch mấy đầu dòng như Môi trường thân thiện & cởi mở; Cơ hội đào tạo; Được tham gia vào nhiều dự án... có thể chia sẻ một cách thú vị hơn "Bạn sẽ được cung cấp đầy đủ "trang bị" và "kỹ năng" cần thiết để thỏa sức bung lụa trên bản đồ sự nghiệp, không ngừng "leo rank" cùng đồng đội thông qua hàng loạt các dự án mới mẻ. Ở đây chúng tôi nói không với drama, và mọi ý tưởng "điên rồ" nhất đều sẽ được chào đón bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt"
Ngoài ra, HR cũng cần lưu ý tránh sử dụng những ngôn từ phân biệt đối xử để tất cả ứng viên đều cảm thấy được chào đón tại doanh nghiệp. Ngôn ngữ thông minh và hài hước không chỉ thu hút được nhiều ứng viên tiềm năng mà còn giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu nhà tuyển dụng thân thiện. Nhớ rằng, mỗi từ ngữ bạn chọn không chỉ nói lên những gì bạn cần, mà còn thể hiện bạn là ai.
Chúc các HR thành công trong việc "chinh phục" những nhân tài bằng chính ngôn ngữ của mình!
Đừng quên cập nhật những xu hướng nhân sự mới!
Cuối cùng, đừng quên quá trình tuyển dụng cũng cần phải linh hoạt để thích ứng với những biến động và xu hướng mới trong ngành nghề! Nếu không theo dõi sát sao và kịp thời điều chỉnh chiến lược tuyển dụng cho phù hợp với kỳ vọng nhân tài, HR có nguy cơ cao bỏ lỡ mất những ứng viên xuất sắc nhất trên thị trường.
Dưới đây là một số xu hướng tuyển dụng có thể tiếp tục phát triển trong những năm tới, gửi đến HR tham khảo.
- Tuyển dụng ứng viên có kỹ năng kỹ thuật cao:
- Remote Work và Linh hoạt làm việc:
- Sử dụng Trí tuệ nhân tạo trong Tuyển dụng:
- Đa dạng và Cảm giác Cộng đồng:
- Tăng cường Học nghề và Đào tạo Nội bộ:
- Sự Tập trung vào Phúc lợi và Chăm sóc Nhân sự:
Trích: Báo cáo Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam® 2023 | Anphabe
>>> Xem thêm: