Nỗi bất bình của "nhân viên tận hiến" chốn văn phòng chỉ mong 1 lần được rửa mặt
Đọc bài này mà vỗ đùi đen đét vì sao đúng quá, có phải công ty nào cũng thế không các anh chị?
Nỗi niềm của người từng được coi là công thần của hội chị em
Xin chào các anh các chị, đặc biệt là các chị đẹp ở văn phòng . Tôi là một người, à nhầm, một vật quen mặt ở văn phòng các chị thôi, ngày nào chúng ta cũng gặp nhau, ít thì một, nhiều thì dăm bảy bận, các chị nhớ tôi không? Vâng, tôi là cái lò vi sóng đây.
Mấy hôm nay tôi có nghe phong thanh sếp các chị đang tính dẹp tôi đi, vì cho rằng tôi là nguồn cơn cho những vụ xì xầm nói xấu, ấm ức nhau trong văn phòng các chị, rằng tôi là "tội đồ" gây ra các mùi khó chịu, khiến chốn công sở mà như cái bếp ăn tập thể.
Vẫn biết các anh chị để hay dẹp tôi đi, phận lò vi sóng chẳng có vé gì mà ý kiến, nhưng tôi bực lắm khi bị đổ tội như thế, nên tôi phải nói rõ ràng một lần cho các chị biết, không phải khi thích thì khen, lúc ngứa mắt nhau lại lôi tôi ra chê bai mắng mỏ rồi bỏ xó.
Để tôi nhắc các chị nhớ, cách đây 2 năm, tiền bối của tôi được sắm về văn phòng để hâm nóng bữa cơm trưa, các chị đã mừng vui khen "Có thêm lò vi sóng, bữa trưa văn phòng ấm áp hơn, thân thiện hơn, và các chị ngày càng yêu chỗ làm, coi văn phòng như ngôi nhà thứ hai…
Vậy là cứ tới giờ trưa, tiền bối của tôi (và sau này là tôi) được các chị vây quanh, xếp hàng để đặt những món ăn ngon lành mà các chị chuẩn bị từ nhà hoặc vừa mua vội hồi sáng vào trong lòng chúng tôi. Vài phút chờ đợi là có ngay cơm canh nóng sốt, thơm lừng sẵn sàng cho bữa trưa, chẳng cần đi xa nắng nôi hay gió rét, lại có dịp ngồi rôm rả cùng nhau.
Khen thì ngọt thế, nhưng lúc có chuyện thì chúng tôi cũng là những đứa đầu tiên bị đem ra bêu tội, rằng ác mộng chốn văn phòng thật sự nằm ở cái lò vi sóng. Ơ thế là thế nào?
Giá tôi được tự chủ đời mình
Sáng sáng có người ăn muộn, bỏ xôi xéo hành phi, bánh giò, bún chả… vào quay, mùi bay sực nức văn phòng lúc 10h sáng, khi các đồng nghiệp đang bù đầu với báo cáo, hợp đồng cùng đống KPI đang nhảy nhót thì là lỗi của chúng tôi?
Xế xế lửng bụng có người bỏ trâu gác bếp tẩm đẫm mắc khén tiêu rừng, xúc xích... vào quay, tụm năm tụm bảy xé xé nhai nhai, chậm check mail, việc bê trễ thì là lỗi của chúng tôi?
Rồi trưa trưa, khi mùi mắm chưng, tẩm nước mắm hành, măng chua nấu cá… của các anh chị quyện vào nhau biến cái văn phòng bé tí trở thành đại hội mùi, khiến những người nhạy cảm không thể nổi, bà bầu nôn trớ, lỗi cũng của chúng tôi?
Thân tôi khổ lắm, các chị biết không? Tôi chưa gục như tiền bối của tôi (cái lò vi sóng đã chết hẳn sau 3 lần sửa, có lúc vì bị quá tải, lúc vì ai đó luộc trứng mà quên không đập vỏ, vỡ tung tóe bên trong, lúc vì ai đó cho pate bọc trong giấy bạc vào quay làm chập điện, các chị nhớ chứ), nhưng cũng ngắc ngoải vì các chị.
Các chị kêu văn phòng toàn mùi thập cẩm của thức ăn là do lò vi sóng, sao không mắng nhau vô ý mang toàn đồ có mùi? Ở ngoài văn phòng các chị còn có chỗ thở, còn trong lòng tôi, các loại mùi đó còn bám vào rất lâu và ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể mình rồi lại bị mắng, ơ hay!
Đó là chưa kể là thỉnh thoảng có chị vui tính còn rã đông thịt cá trong tủ lạnh (chắc để tiết kiệm điện ở nhà) trước giờ tan sở, nước chảy lây nhây trên đĩa thủy tinh; hoặc ai đó quay thịt ba chỉ có bì, nó nổ tung như pháo hoa, vương vãi mỗi góc một "tàn tích".
Sáng, rồi trưa, rồi chiều hôm sau, các chị dùng sau nhíu mày bĩu môi chê "Eo ôi, lò vi sóng bẩn thế, mùi kinh thế". Và sau đó? Các chị vẫn thản nhiên để hộp cơm của mình vào, che chắn bằng nắp hay tờ giấy một tí cho có lệ rồi bỏ ra ăn bình thường.
Bao nhiêu người chê tôi bẩn, kêu tôi có mùi nhưng chẳng một ai thèm dọn. Các chị đẹp ơi, một ngày các chị rửa mặt lau mình tắm táp make-up mấy bận, nhưng sao không ai thấy bẩn mà lau rửa tôi lấy một lần?
Nếu tôi có tay chân như con người, hoặc tôi được chế tạo có AI điều khiển, hễ thấy bẩn là có cơ chế tự vệ sinh thì tôi bật ngay chẳng cần phiền các chị, nhưng tôi bất lực các chị ạ. Các chị đùn đẩy nhau chẳng ai muốn dọn, các chị đồng lõa với cái bẩn, tự an ủi nhau bỏ thức ăn vào quay một tí cũng không sao, các chị ăn cơm có ngon không?
Nếu tôi được đặt ở bếp nhà các chị, chắc tôi sẽ không bị "bạo hành" hàng giờ hàng ngày như thế này, sẽ được dọn rửa hàng ngày, hoặc vài ngày một bận (tôi hy vọng vậy). Đằng này, các chị nhìn tôi xem, khi mới đến tôi trắng xinh như Ngọc Trinh, giờ thì… thôi chán chẳng còn từ nào để tả.
Mà lò vi sóng bẩn, các chị biết đấy, chẳng những mất vệ sinh, thức ăn bị ám mùi khó chịu, là môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, nó còn làm giảm giá trị dinh dưỡng thực phẩm của các chị, rồi tốn điện, chưa kể có thể chập điện, cháy nổ. Cái thân tôi đến chết là hết, nhưng còn các chị, các chị định sống thế mãi sao?
Nỗi đau trăm mùi của tủ lạnh - bạn đồng hành với lò vi sóng văn phòng
Nhân tiện bạn tôi, lò vi sóng lên tiếng, tôi cũng xin phép các chị cho tôi trình bày nỗi khổ của mình. Tôi với cô lò vi sóng, tuy khác nhau về tính chất, cô ấy ấm áp, tôi lạnh lùng, cô ấy nhỏ xinh, tôi vạm vỡ, người ta đến với cô ấy một lúc rồi đi ra, còn đồ ăn thức uống thì để trong tôi cả ngày, nhưng tôi cũng có những nỗi đau thầm kín chẳng kém gì cô ấy.
Được tiếng là bạn thân của các chị em, được chị em ưu ái trao cho những thứ quý giá phục vụ 1 trong 4 nhu cầu cơ bản của con người (là đồ ăn), nhưng chúng tôi vẫn là thân ai nấy lo, các chị ạ. Để tôi kể cho mà nghe. Tôi có thâm niên hơn cô lò vi sóng, đã trải qua 3 mùa Tết, 3 mùa hè, mùa thu đông ở cái văn phòng này. Mà hoa trái có mùa, tôi thì khổ quanh năm.
Gần Tết thì thôi thông cảm đã đành, nhưng mà nghĩ xem, tôi lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, bô nhếch bô nhác, lỉnh kỉnh đủ thứ. Trên ngăn đông, nào là khay đá, thịt lợn, thịt gà, chả cá, cá trứng, xúc xích… bọc bọc gói gói đủ thứ nilon, hộp xốp được các chị ném vào. Thi thoảng có khay đồ ăn (là gì thì chính tôi cũng chẳng nhận ra nổi) lạc lõng trong góc cả tháng chả ai nhớ ra để cầm về, và cũng không ai cất đi.
Còn ngăn mát ư, nào cần tây dùng ép làm detox, nào cốc trà sữa, lon nước ngọt đã mở, nào hộp thịt, hộp cá khui dở ai đó ăn dở từ hôm qua. Thi thoảng có gói mít, túi chè sầu riêng, quả dứa bị bỏ quên, lên men, làm mốc trong hộc rau quả mà chẳng ai phát hiện ra… Ôi thôi đủ thứ màu và mùi vị quyện lấy nhau trong tôi, tôi còn sợ chính mình nhưng các chị thì bất chấp vệ sinh, bất chấp mấy cái mớ lý thuyết về nhiễm khuẩn chéo và nhiệt độ bảo quản chuẩn gì gì đó lằng nhằng, cứ đem đồ ra vô và hồn nhiên ăn uống!
Tôi đến bây giờ còn chưa quên nổi cái mùi của mình đợt sau Tết, khi các anh chị mải về quê ăn Tết mà quên luôn gói thịt, túi rau trong lòng tôi và văn phòng thì cắt điện. Sau 10 ngày nghỉ lễ, những túi đồ ăn bốc mùi thối, lòng tôi meo mốc khắp nơi. Các chị đẹp đã suýt ngất khi mở tôi ra, và thống nhất là sẽ vứt tôi đi vì lý do to đùng: Tôi quá bẩn. Nhưng các chị biết không, chẳng cần các chị vứt thì hồn cốt của tôi sớm đi đã "băng hà". Các chị mới mở tôi ra 2 phút đã đóng vội lại, còn tôi đã phải chịu cảnh ấy hơn 1 tuần qua.
May quá, chị lao công vẫn hay xài ké tôi xung phong sẽ dọn tôi, tiện tay dọn luôn cô bạn lò vi sóng của tôi, đổi lại thù lao ba trăm nghìn và được chia sẻ quyền sử dụng. Đó là lần đầu sau gần 1 năm phục vụ, cô bạn lò vi sóng của tôi được đem đi cọ rửa, tuy không trắng tinh như Ngọc Trinh nhưng cũng khá xinh xẻo, sạch sẽ.
Thế là mỗi ngày, tôi lại gồng mình làm lạnh đủ thứ đồ ăn thức uống của các chị đẹp, cô lò vi sóng bạn tôi vẫn miệt mài làm nóng đồ ăn chốn văn phòng, chưa biết có bị dẹp bỏ hay không (người ta vẫn đổ lỗi vì cô ấy mà tình chị em không chắc bền lâu).
Nhưng có một điều chắc chắn, chúng tôi vẫn đang đợi được tắm rửa thêm lần nữa. Thân phận bị động, không có tiếng nói, cũng chẳng thể tự chủ như chúng tôi, đến việc làm sạch mình cũng phải đợi người ta nhấc tay chân lên, khổ lắm cơ, các chị có hiểu cho chúng tôi không?!
Nguồn: CafeBiz
Pages
-
hZWZmZZjlnGampuExaBkb-GkoGOYcFLJpMWoq4DHo5ifmatXc6xsmGVrUr98qKellJ--oJ_Tj6PNo5mMrs7PxrDF3N-wn8KdpcbWzNPUU3DZa55siJyl1JvYnqemiHCnbWVtb1qlm9CVcpPXoaWgfYeArlVx12ptnlqkkdTG0dSGn8Ogl2rcrJ6Uk52Gy5-pz6XfkdqvoMtan6hybqBXlaGnsJqqW23YampqhZ2kpp6nrMGcmoZrqp5tblKVlpeWlYad2Z5om1vFxtbS1sWamYhsz2yWca3j
- hZWZmZZjlnGampuExaBkb-GkoGOYcFLJpMWoq4DHo5ifmatXc6xsm2pTcdGrrZenVW7VbW6eUp3Zppeky9TSg5_XnJiUaoObydbWpNLZqJrYc9um2qWeroyxgVpz2W9qbVaplqqan9hSbJGdaXCtqG1snFWX0qOuyaqTmcaHn9SemZyIl2GUbpWFneDh
-
More
hZWZmZZjlnGampuExaBkb-GkoGOYcFLJpMWoq4DHo5ifmatXc6xsm2pTcdGrrZenVW7VbW6eUp3Zppeky9TSg5_XnJeYaoOgydel0tHTlqPad9Wk01hr2XKab1qox6eVoKdbcJlzZJ-rpGqccliTo6aqx6WVzZRZn6tuZZyHl5KXmZOIn6Obcp6F0drSy6OU25rKVKGpapxyhmdocZlpZVVvtrI.