Tại sao nên nói dối trong phỏng vấn?
Để tránh bị trượt thảm hại ngay từ vòng phỏng vấn, một giải pháp có vẻ như "không thể tránh khỏi" là đôi lúc bạn cần phải biết nói dối 1 vài điều.
Có một sự thật là bộ phận nhân sự (HR) thường tìm kiếm những ứng viên có phần không giống hay đôi khi hơi trái ngược với mong muốn của các lãnh đạo. Trong khi HR thường lặp lại một vài công thức nhàm chán của họ với những “chuẩn mực” để đảm bảo rằng nhân viên mới này sẽ làm tốt nhiệm vụ mà công ty đang yêu cầu, các CEO thường muốn tìm những người có thể mang đến một sự khác biệt, một cách nghĩ mới mẻ cho doanh nghiệp.
Do đó, điều này nảy sinh một mâu thuẫn: Rất có thể bạn là hình mẫu mà CEO của công ty đang rất cần nhưng bạn lại trượt thảm hại ngay từ vòng phỏng vấn với HR trước khi có thể gặp được vị lãnh đạo cao cấp kia. Vì vậy, một giải pháp có vẻ như “không thể tránh khỏi” là đôi lúc bạn cũng cần phải biết nói dối 1 vài điều trong phỏng vấn.
Một khả năng cao là bạn sẽ được hỏi liệu bạn có hợp tác tốt với mọi người trong nhóm hay không? Hầu hết mọi người trong một tổ chức đều cần phải làm việc cùng nhau, nhưng xưa tới nay chẳng thiếu gì những nhân tài hơi kỳ quặc, họ không làm hại tới công việc của người khác, chỉ đơn giản là họ muốn làm việc một mình và không bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.
Nếu không tin, hãy cứ thử nhìn vào những người làm ở bộ phận R&D, ngày đêm nghiền ngẫm với những công thức phức tạp hay những dòng code dài dằng dặc. Thế nhưng chẳng nhẽ vì thế mà họ nên nói thật với HR rằng:
“Tôi không thích làm việc với người khác tí nào cả. Tôi thường đạt hiệu quả cao nhất khi làm một mình. Các giáo sư của tôi tại MIT thường gọi tôi là một thiên tài cô độc.” Cũng chẳng ngạc nhiên nếu các HR thẳng tay bỏ qua những “thiên tài” này bởi câu trả lời “thật thà” đó. Thậm chí có là Anhxtanh hay Newton đi nữa, rất có thể họ sẽ phải tiếp tục nộp đơn ở một nơi khác mà thôi.
Trong suốt nhiều năm trời, công ty của tôi có hợp tác với một quỹ đầu tư lớn và đội ngũ chuyên gia của họ đa phần toàn là các nhà toán học hay vật lý học có tên tuổi. Thế nhưng những người này thậm chí còn chẳng thèm giả vờ tỏ ra quan tâm tới các khía cạnh xã hội khác tại nơi làm việc. Đối với họ, công việc và không gian cá nhân là trên hết. Đồng nghiệp ư, họ có tồn tại hay không chúng tôi vẫn sẽ hoàn thành tốt công việc của mình.
Nhận ra được điều này, chúng tôi thường cố gắng tìm hiểu và cải thiện cách thức tuyển dụng thông thường của mình. Điều ngạc nhiên là đôi khi những cá nhân xuất sắc lại có thể bị bỏ qua bởi bên nhân sự. Cũng không phải do bên HR làm chưa tốt mà thực sự họ thường chỉ tuân theo những tiêu chuẩn cơ bản mà thôi.
Do đó, tốt nhất là chúng ta không nên phó mặc toàn bộ việc tuyển dụng cho họ. Có thể bạn còn cả đống việc cần phải giải quyết nhưng đừng bao giờ quên rằng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất của cả một công ty.
Một câu hỏi khác cũng khiến đa số các ứng viên cần phải nói dối là: “Tại sao bạn lại muốn làm việc cho công ty của chúng tôi?”
Một câu hỏi cũ kỹ và có vẻ như là một phần không thể thiếu của cái thủ tục nhàm chán ấy. Ấy vậy mà bạn không thể cứ thật thà mà nói thẳng cho họ rằng: “Tôi nghĩ đây là nơi tôi có thể kiếm được đủ số tiền mà mình cần trước tuổi 35.” Nếu vậy thì xin chúc mừng, bạn sẽ không bao giờ phải gặp lại những người ở bộ phận HR đó nữa. Do vậy, nói dối ở đây là một điều cần thiết.
Và cũng như đa số những người khác, một câu nói dối “hoàn hảo” cần thể hiện sự hiểu biết của bạn về văn hoá của công ty, sự sáng tạo không ngừng ở đây cũng như một vài lời “tâng bốc chẳng chết ai” tới người sáng lập ra công ty. Tin tôi đi, họ đang rất mong chờ để gặp bạn đấy.
Không phải lúc nào bạn cũng nên tin vào lời khuyên muôn thuở “Hãy là chính mình” bởi đây là cuộc chạy đua về việc làm, hãy nghĩ mà xem, trong khi bạn cố gắng thể hiện đúng 100% con người mình thì có hàng tá những kẻ khác đang “bịa” ra một vài phần trăm để có thể gặp được những leader cuối cùng. Vậy ai sẽ là người chịu thiệt ở đây, không cần nói ra chắc các bạn cũng tự hiểu.
Các bạn cũng đừng hiểu nhầm rằng tôi đang khuyên các bạn trở thành một kẻ dối trá trong suốt cuộc đời của bạn. Nói dối chưa bao giờ là tốt, nhưng để vượt qua những rào cản “khó chịu” kia trước khi có thể gặp được người chủ của “cuộc chơi” thì đó lại là một điều cần thiết.
Một khi vượt qua được những khó khăn đó, bạn lại có thể trở thành chính mình, chân thật và thoả sức cống hiến ở vị trí mới. Do đó, khi sự thật không phải là điều tốt nhất cho bạn, hãy tìm cách để bắt kịp với cuộc chơi này.
Mark Stevens là CEO của MSCO, một công ty chuyên về tư vấn giải pháp Marketing tại NewYork, trong hơn 18 năm. Stevens ngoài ra còn là nhà phê bình nổi tiếng của CNBC và Fox, đồng thời là tác giả của vô số những cuốn sách best-seller về marketing.
Khanh Lưu - Theo Infonet