Vì sao ta lười học và 3 công thức CHỐNG LƯỜI
Hôm rồi viết bài Nếu chưa giỏi nhất thì hãy là người chăm nhất được rất nhiều bạn quan tâm, Thanh nhận được câu hỏi thế này: E cũng hiểu là nên chăm, nhưng cứ nghĩ tới phải học là tự nhiên cơn lười nổi lên, chị có cách nào chữa lười học không?
Câu hỏi quá hay luôn, nên Thanh viết bài chia sẻ nha (bài khá dài, nhưng rất thực chiến, dành cho ai thực sự muốn cải thiện việc học nè)
Tâm lý lười học cũng giống như cảm giác... phải tập thể dục.
Biết tốt đấy. Biết là nên làm. Nhưng não nó cứ rủ rê: "Nằm chút nữa đi…mai cũng được". Và thế là bạn... cứ trì trệ mãi trong sự tự dằn vặt.
Thanh rất thích nghiên cứu về tâm lý học hành vi nên Thanh giải thích cho các bạn về Hội Chứng Lười Học dưới góc độ của Khoa học não bộ nha
BỘ NÃO VỐN LƯỜI HỌC - TIN NỔI KHÔNG?
🧠 Có một khái niệm thú vị bạn nên biết có tên là “Neuro-resistance", Thanh tạm dịch là Kháng Lực Thần Kinh, mô tả sự phản kháng tự nhiên của não bộ khi ta cố làm điều gì đó mới lạ
Khi học 1 kỹ năng mới , não phải tạo ra đường dẫn thần kinh mới (neural pathways), và điều này tiêu tốn năng lượng gấp 3 lần so với việc làm những thứ bạn đã quen thuộc.
Theo mô hình “Motivational Triad" thì não chúng ta sẽ luôn ưu tiên:
|
Nên khi học cái mới, vừa CHƯA SƯỚNG ngay, lại vừa TỐN SỨC, tất nhiên não sẽ tự nhủ ‘Thôi, bỏ qua’.
Và thế là nó sẽ ‘phím’ cho bạn rất lý do rất ư là hợp lý để… trì hoãn. Tệ hơn, nó còn gây ra cảm giác mệt mỏi để mỗi khi ta liên tưởng tới học là thấy chán (chả trách bạn kia chia sẻ cứ học là lên cơn lười nè).
Não thông minh mà, nên nó cũng có chiêu ‘đánh lạc hướng’ để bạn quan tâm tới các hoạt động dễ chịu hơn như lướt mạng hay ăn vặt…thay vì phải học
🧠 Có 1 lý thuyết cũng khá liên quan do Giáo sư Karl Friston, một trong những nhà thần kinh học có ảnh hưởng nhất thế giới phát triển là Free Energy Principle - Nguyên lý năng lượng tự do.
Ông cho rằng: Não chúng ta luôn cố gắng giảm sự bất ngờ và không chắc chắn
Khi tiếp xúc với thông tin chưa từng gặp, não cảm thấy bị đe dọa, và nó sẽ tăng cái gọi là “Free Energy” – hiểu đơn giản là năng lượng tiêu hao khi dự đoán không trúng. Để “sống còn”, não sẽ cố từ chối hoặc né tránh những gì gây bất ngờ để tránh sai lệch dự đoán.
Nên theo lý thuyết này thì bản năng bảo vệ của não sẽ là TRÁNH KHÓ - DỄ CHỌN nhưng khổ cái là DÙ LƯỜI, BẠN CÓ DÁM NGƯNG HỌC?
Trong sự kiện hồi đầu tuần của Anphabe, mấy trăm CEO & GĐNS hàng đầu Việt Nam đều đồng ý , Kỹ năng thời nay là một loại Tiền Tệ mới. Mà kỹ năng thì đang thay đổi như vũ bão. Với sự ra đời của A.I, tới 2030, chỉ 5 năm nữa thôi, 70% các kỹ năng bạn đang có sẽ trở nên lỗi thời (Linkedin Change Report 2025).
Nếu không học, bạn chắc chắn bị tụt hậu. Nên hay nói vui với team của mình Học không phải là tích thêm cái bằng, mà là giúp ‘bớt ngu’ đi mỗi ngày một chút á😊.
Vì thế, khi đã hiểu hơn về nguyên lý của não bộ, và quyết tâm ‘tự cứu mình’, thì Thanh sẽ chỉ cho bạn:
3 CÔNG THỨC HỌC THỰC CHIẾN, NGƯỜI LƯỜI VẪN HỌC ĐƯỢC
Công thức D.O.S.E - Kích hoạt Hormone Hạnh Phúc khi Học
Não sẽ “ghiền học” hơn nếu quá trình học gắn liền với cảm xúc tích cực. Là Chief Happiness Officer, nên tôi mê 4 cái hormone hạnh phúc này lắm. Cách Thanh ứng dụng để não vừa học vừa tiết hóc môn Hạnh Phúc:
- D - Dopamine: Chia nhỏ mục tiêu cho dễ đạt, não có cảm giác thành tựu thì sẽ tiết ra nhiều Dopamin khiến ta thấy mãn nguyên. Ví dụ trong quá trình học để tăng hình ảnh social nhiều hơn, Thanh đang dùng Professional Dashboard của facebook để mỗi tuần đều có những thách thức nhỏ nhỏ. Dù phải chăm hơn để tuân thủ nhưng khi đạt được, não thấy rất sướng.
- O - Oxytocin: Học cùng người khác hoặc dạy lại cho ai đó để hocmon này tiết ra khi tăng kết nối. Cái này thì Thanh làm rất thường xuyên, học được cái gì hay là luôn luôn chia sẻ lại cho nhân viên cùng học, vì tôi dạy cũng là cách học thấm nhất.
- S - Serotomin: Ghi nhận tiến bộ của bản thân. Một câu tự khen đơn giản trước khi đi ngủ cũng giúp bạn thấy hài lòng, và yêu hành trình học hơn đó.
- E - Endorphin: Kết hợp học và vận động. Cái này thì dễ nè, vừa đi bộ vừa nghe podcast mỗi sáng rất tiện nhé.
Công thức T.A.S.K - Học có mục tiêu, đỡ mất kiểm soát
Lý do nhiều người “lười học” là vì… cảm giác lan man, không biết học để làm gì, và áp dụng được ngay chưa? T.A.S.K giúp đưa việc học về đúng “bàn cờ chiến lược”:
- T – Target: Học vì mục tiêu nào? (Chữ WHY càng rõ, não càng hào hứng: Học để được thăng chức, để kiếm thêm tiền, để giao tiếp duyên dáng kiếm bồ cuối năm,...)
- A – Actionable: Học phải đi đôi vói hành ngay, chứ không 86% những nội dung bạn học sẽ ‘bay theo mây khói’ hết sau 1 tháng nha (Lý thuyết Đường Cong Quên Lãng nói vậy đó).
- S – Specific: Nội dung càng đơn giản cụ thể, não càng dễ tiếp thu. Nên giờ Thanh thích học qua các VDO ngắn với nội dung cụ thể hay mỗi ngay 1 chương cuốn sách nào đang cần nghiên cứu.
- K – Keep tracking: Nhớ theo dõi tiến độ nhé, Thanh có plan ‘nâng trình độ’ theo tháng, quý, năm luôn á. Mỗi lần “tích tick” là doparmine cứ gọi là tăng ầm ầm.
BONUS: Công thức K.I.S.S dành cho người sắp bỏ cuộc 😊
Khi học thấy overload, mệt mỏi, hãy quay về đơn giản:
• K – Keep
• I – It
• S – Short
• S – Simple
Mỗi ngày chỉ cần một chút. Não không thích “sốc điện”. Nhưng nếu ta nói “Chỉ 5 phút nghe podcast thôi” là nó gật đầu liền. Và có thể học bất kỳ cái gì bạn thích. Hát hò nhảy múa, diễn kich cắm hoa, vv cái gì mới mà ta chịu thử thì đã là 1 cách học mà não cảm thấy ‘an toàn’. Nhớ viết ra mỗi ngày 1 trải nghiệm mới, hay bài học bạn học được là để cảm giác tiến bộ và “ghi điểm” với não nhé.
TÚM LẠI, trong cuộc đua công việc, kinh doanh… hay bất kỳ sân chơi nào mà bạn đang tham gia – Người có khả năng tự học sẽ luôn là người sống sót.
Bản năng của phần lớn mọi người là LƯỜI HỌC, nên đừng tự trách bản thân nếu thấy mình chưa đủ chăm chỉ. Chỉ cần bạn học lại cách học thôi. Hy vọng bài viết này hữu ích và bạn có thể biến việc học thành những trải nghiệm thú vị!!!
Kế hoạch học tập & nâng cấp bản thân của bạn sắp tới thế nào, chia sẻ với Thanh nhé!