Xây dựng một chiến dịch email marketing sao cho hiệu quả
Bạn đã biết đến những lợi ích của email marketing? Bạn quyết định sử dụng email marketing để hỗ trợ công việc tuyển dụng? Tuy nhiên, chiến dịch của bạn không đem lại kết quả khả quan như bạn mong đợi? Trong tình huống này, bạn cần làm gì để tận dụng được lợi thế mà phương pháp marketing này mang lại? Làm sao để xây dựng một chiến dịch thành công?
Như thế nào là một chiến dịch email marketing hiệu quả?Email marketing được hiểu đơn giản là quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua email. Trong tuyển dụng, email marketing được sử dụng để quảng bá việc làm, thu hút các ứng viên tiềm năng ứng tuyển.
Email marketing có thể không phải là cách marketing hiệu quả nhất – việc này trong một vài trường hợp được xem là không hiệu quả, nhàm chán và lãng phí thời gian. Tuy nhiên, đây lại là một trong những chiến lược marketing trọng tâm của rất nhiều thương hiệu. Trên thực tế, sự ra đời của nhiều công nghệ mới khiến cho email marketing trở nên thú vị hơn và có khả năng gắn kết đối tượng đích hơn.
Một chiến dịch email marketing thành công thể hiện ở những điểm sau:
- Tỷ lệ mở email cao
- Tỷ lệ đọc hết nội dung email cao
- Tỷ lệ người thực sự quan tâm hay số ứng viên phản hồi lại tin quảng cáo việc làm cao
Hiểu một cách đơn giản, một chiến dịch email marketing thành công là một chiến dịch đem lại cho nhà tuyển dụng tối đa hiệu quả mà họ mong muốn.
Cách xây dựng một chiến dịch email marketing hiệu quả
1. Tạo danh sách người đang ký nhận tin
Trước hết, bạn nên lập một danh sách email của những người có khả năng cao muốn nhận thông tin tuyển dụng từ phía bạn. Khi đã có danh sách này rồi, bạn cũng nên liên tục bổ sung thêm người vào danh sách này. Nếu doanh nghiệp bạn đã có trang web riêng, hãy biến những người xem web thành những người đăng ký nhận tin. Chức năng đăng ký này nên được thiết lập ngay trên trang web.
Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ người xem rời khỏi trang web của bạn mà không hề đăng ký. Khi này, bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng cửa sổ thông tin. Cửa sổ này sẽ tự động hiện ra sau một vài giây người xem truy cập vào trang web.
Bạn cũng có thể sử dụng những cách thu thập email truyền thống. Ví dụ, khi bạn tham gia hội chợ việc làm hoặc hội thảo, bạn có thể giới thiệu về doanh nghiệp và khuyến khích những người quan tâm đăng ký để nhận tin từ doanh nghiệp. Những tin này có thể bao gồm cả tin quảng bá về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ và tin tuyển dụng.
2. Xác định mục tiêu sử dụng email marketing của bạn
Để có một chiến dịch email marketing thành công, trước hết bạn nên nắm rõ mục đích bạn thực hiện chiến dịch này là gì. Hãy nghĩ đến kết quả mà bạn mong muốn nhận được, nó có phải một trong những điều sau đây?
- Chào mừng những người mới đang ký: cảm ơn họ đã đang ký nhận tin từ bạn cũng như giới thiệu về doanh nghiệp
- Thu hút thêm người đăng ký: bạn muốn dùng những nội dung trong email để gia tăng danh sách người đang ký nhận tin thường xuyên
- Gia tăng mối quan hệ với người đăng ký: bằng cách cung cấp thông tin về những đều họ quan tâm
- Kết nối lại với những người đăng ký cũ: những người đã đăng ký nhận tin từ bạn nhưng một thời gian dài không phản hồi lại hoặc có hoạt động liên quan
- Thu hút người tham gia: thu hút sự quan tâm chú ý đến tin mà bạn muốn quảng bá
3. Xác định loại email bạn muốn gửi
Có nhiều loại email mà bạn có thể sử dụng khi chạy chiến dịch email marketing. Thông dụng nhất là email quảng cáo: đưa thông tin về tin tuyển dụng bạn đang muốn quảng bá để tìm người. Ngoài ra, email dùng để gia tăng quan hệ (tin tức hàng tuần hoặc quà tặng) hoặc email giao dịch (email xác nhận đăng ký thành công, email chào mừng, email xác nhận thay đổi thông tin) cũng có thể được sử dụng trong trường hợp này.
4. Tìm hiểu kỹ về người nhận
Khi bạn bắt đầu chiến dịch email marketing, tất nhiên bạn cần biết nó đang hướng đến đối tượng nào. Ở chiến dịch email marketing đầu tiên, bạn sẽ phải đưa ra một số phỏng đoán khi xây dựng nội dung. Tuy nhiên, sau đó bạn sẽ nhận được những thông tin hữu ích từ chiến dịch này để sử dụng cho những chiến dịch tiếp theo trong tương lai. Các công cụ phân tích sử dụng các dữ liệu về nhân khẩu học, vị trí địa lý, sở thích để cung cấp cho bạn thông tin về đối tượng đích bạn sẽ gửi email cũng như những gì mà họ quan tâm.
5. Cá nhân hóa email
Đừng gửi một email cho tất cả mọi người. Điều này sẽ tăng khả năng email của bạn bị đánh dấu là spam. Khi này, những email này gần như sẽ không còn có thể tiếp cận được đối tượng đích bạn đang hướng tới. Một số công cụ cho phép bạn thay tên người nhận khi email được gửi đi. Hơn nữa, khi nhận email có tên mình, người nhận có khả năng cao hơn sẽ đọc nội dung trong email đó.
Nếu như doanh nghiệp bạn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn nên cân nhắc soạn ra các mẫu email marketing tuyển dụng phù hợp với từng lĩnh vực.
6. Xây dựng nội dung ngắn gọn súc tích
Bản thân bạn chắc hẳn sẽ không muốn nhận những email dài dòng, lan man và được trình bày như thể chúng được soạn từ những năm 2000? Khi người nhận mở email của bạn, làm sao để khiến cho họ đọc tất cả nội dung trong email (hoặc ít nhất là những nội dung chính)?
- Bạn nên sử dụng những đoạn văn ngắn, chứa những từ và cụm từ khóa chính
- Gạch đầu dòng các ý chính sẽ giúp cho người đọc dễ dàng nắm bắt thông tin hơn
- Một số hình ảnh liên quan sẽ làm nội dung thêm sinh động
Tóm lại, đừng viết quá dài.
7. Đính kèm đường dẫn (link) để cung cấp thêm thông tin chi tiết
Email marketing trong nhiều trường hợp được sử dụng để tăng lượng truy cập vào trang web. Số lượng lượt truy cập nhiều cũng là một yếu tố giúp trang web của doanh nghiệp bạn xuất hiện trên kết quả tìm kiếm dễ dàng hơn. Việc đính kèm thêm đường dẫn cũng giúp cho người đọc có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin hơn về doanh nghiệp cũng như tin đăng tuyển mà bạn muốn quảng bá.
8. Thêm các câu nói để thúc đẩy ứng viên ứng tuyển
Cùng với việc cung cấp các thông tin chính, bạn cũng nên thêm một số câu nói ngắn gọn thúc đẩy người đọc hành động. Ví dụ: “Nhanh tay ứng tuyển ngay”, “Ứng tuyển ngay việc làm hấp dẫn”, v.v… Người đọc sẽ có xu hướng chú ý hơn đến tin đăng của bạn.
9. Đưa ra lựa chọn từ chối nhận mail
Bạn có thể nghĩ rằng việc đưa ra lựa chọn từ chối nhận mail sẽ khiến bạn mất đi một lượng người theo dõi đang kể. Tuy nhiên, nếu bạn không đưa ra lựa chọn này cho người nhận mail, họ có thể thấy việc bạn gửi email liên tục là làm phiền họ. Tệ hơn, họ có thể đánh dấu những email này là spam. Khi này, bạn sẽ gặp nhiều rắc rối hơn trong tương lai.
Lựa chọn từ chối nhận mail có thể được đưa vào trang web hoặc chính email bạn gửi cho người đăng ký.
10. Xây dựng giao diện thân thiện với thiết bị di động
Không phải ai cũng sử dụng máy tính để xem email và truy cập các trang web. Với sự tiện lợi của các thiết bị di động, ngày càng nhiều người sử dụng chúng để thực hiện đa số các tác nghiệp điện tử. Điện thoại di động dường như không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn không tối ưu hóa nội dung cũng như giao diện trang web cho các thiết bị di động, bạn có thể sẽ mất một lượng lớn người truy cập.
Nguồn ảnh: internet